Khăn Piêu rơi ở chốn nào - Để người khách cũ lao xao trong lòng
Đại văn hào Victor Hugo từng có một câu nói mà mình tạm dịch là: “Lịch sử là gì? Là tiếng vọng của quá khứ tới tương lai; là phản chiếu của tương lai về quá khứ”.
Ngược dòng thời gian, quay về với “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên cành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, ta có nhạc sĩ Doãn Nho thời trai trẻ phụng sự cho Cách mạng, cho Độc lập, Tự do của Dân tộc. Khi ấy, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đồng bào đã vượt lên trên tất cả thứ tình cảm khác.
Mà nhắc tới đây, ai lại không nhớ tới bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:
”- Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?…”
Đến 1,2 năm sau chiến thắng, nhạc sĩ mới quay lại chốn xưa, lòng lại rộn chút “tình riêng” từ bài dân ca dân tộc Xá “Tăng A Tim” để viết bài hát “Chiếc khăn rơi”, sau đổi tên thành “Chiếc khăn Piêu”. Khăn Piêu là chiếc khăn của cô gái dân tộc Thái dùng để làm tín vật cho tình yêu của mình.
Bài hát được phát triển từ dân ca dân tộc Xá, hình tượng chính là chiếc khăn của dân tộc Thái, phải chăng đây chính là một câu trả lời cho câu “Mình về mình có nhớ ta?” của người miền xuôi cho người miền ngược?
Quay về hiện tại tới với tiết mục của Nhà Cá Lớn.
“Khăn Piêu dệt gió vươn cành,
Trái tim người lính quân hành xốn xang.
Bước chân mấy ải quan san,
Sau lưng điểm tựa bản làng quê hương!”
4 câu thể Lục bát, thể thơ truyền thống dân tộc ta mở đầu cho tiết mục nhà Cá Lớn.
Nghe chú Tự Long ngâm, lòng lại nghĩ tới mấy câu trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:
“Trang phong lưu đang chừng niên thiếu,
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên.
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,
Quan san để cách hàn huyên cho đành!”
Chinh Phụ Ngâm là khúc ai oán của người thiếu phụ có chồng ra trận, mang đậm nỗi lo cho tình yêu lứa đôi của mình. Với nhà Cá lớn, tình yêu đôi lứa không dừng lại ở chút tình riêng nam nữ, mà được phát triển lên thành tình yêu quê hương đất nước.
Trong tác phẩm Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry có một câu như thế này: “…Khi ông nhìn trời, bởi vì ở một trong những ngôi sao đó có tôi, bởi vì trong một ngôi sao đó có tôi cười, nên ông sẽ tưởng chừng tất cả các ngôi sao đều cười…”
Phải chăng ở đây nhà Cá Lớn cũng nghĩ như vậy, khi nghĩ về bản làng, bởi vì ở một trong những bản làng đó có người con gái trao anh chiếc khăn Piêu, nên tất cả bản làng trở thành điểm tựa, lí do để anh chiến đấu.
Và đoạn X-part của Soobin được viết như sau:
“Tôi bước trên con đường gai đầy
Mang theo cả Tổ quốc trên vai vẫn còn đong đầy
Thân nam mười tấc anh chẳng quản nắng trưa
Băng ngàn dặm đồi trùng mịt mùng chẳng ngại gió mưa
Khăn Piêu chờ ai, nơi đây cỏ hương đâm chồi rót mật vào tai
Chờ một ngày hai ta chung đôi dù cho hai nơi xa xôi”
Ngoài tính biểu trưng rất cao về những người lính biên phòng, về khát vọng tình yêu lứa đôi, mình còn không khỏi liên tưởng tới hình ảnh về một bậc cái thế anh hùng, cụ thể là Từ Hải trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:
“Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.”
Mình rất yêu thích cách những bài hát có bề dày lịch sử được viết thêm phần X-part vẫn hòa hợp với bài gốc bởi sự tinh tế và chiều sâu trong từng chữ được thêm vào.
Ngày xưa nhạc sĩ Doãn Nho, chàng lính trẻ gắn bó với Việt Bắc nảy nở rung động chút tình riêng từ cái tình chung viết ra bài hát này. Mấy mươi năm sau nhà Cá Lớn thể hiện lại dựa vào cái tình riêng đó dẫn đến tình chung, còn được viết dành tặng cho những người lính biên phòng.
Có phải đây chính là cách quá khứ vọng tới tương lai, tương lai phản chiếu về quá khứ?
Có phải đây chính là lí do nhạc sĩ Doãn Nho “rất xúc động” khi được nghe tác phẩm này?
Có phải đây chính là cách một tác phẩm vượt qua thử thách của thời gian và cách người nghệ sĩ thực thụ làm nghề?
Còn ti tỉ thứ để khen về các anh nhà Cá Lớn trong bài hát này nhưng mình xin phép dừng lại ở đây.
Rất xúc động khi nghe bài hát, rất tự hào về chú Tự Long khi được nghe chú chia sẻ về quá trình làm bài hát này.
P/S: Người viết không có chuyên môn về văn hóa - nghệ thuật nên không tránh khỏi sai sót, rất mở lòng đón nhận góp ý.
Enjoy Reading This Article?
Here are some more articles you might like to read next: